CẢNH BÁO NGUY CƠ BỆNH ĐẠO ÔN LÁ LAN RỘNG

1. Bào tử nấm gây bệnh đạo ôn phát sinh mạnh

Từ ngày 15/3, đợt không khí lạnh kèm theo mưa, ẩm độ cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bào tử nấm gây bệnh đạo ôn trên lúa phát sinh mạnh. Chưa kể, thời kỳ này trùng với lịch bà con bón thúc lúa giai đoạn đẻ nhánh, hàm lượng đạm tích lũy trong cây cao cũng là yếu tố thuận lợi cho bệnh lây lan nhanh.

Bệnh đạo ôn trên lúa

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, hiện bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên trà lúa gieo cấy sớm, tỷ lệ bệnh trung bình 3 - 5%, nơi cao 7 - 10%, diện tích nhiễm 5ha. Vết bệnh chủ yếu cấp 1 - 2, tập trung trên các giống P6, Thái Xuyên 111, VNR20, KD18, ADI168…, phân bố tại các xã Lâm Trung Thủy, Bùi La Nhân, Tùng Châu (huyện Đức Thọ); Đan Trường (huyện Nghi Xuân); Thạch Long (Thạch Hà); Nam Phúc Thăng, Cẩm Quan (Cẩm Xuyên); Hàm Trường (Hương Sơn).

“Qua theo dõi, diễn tiến bệnh đạo ôn ở thời điểm này vẫn đang ở diện hẹp và trong tầm kiểm soát, tuy nhiên các địa phương và bà con không nên chủ quan khi đồng ruộng xuất hiện nhiều yếu tố cộng hưởng để bệnh lây lan”, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Xã Lâm Trung Thủy là một trong những địa phương gieo cấy diện tích lúa xuân lớn nhất ở huyện Đức Thọ với trên 900ha, chủ yếu cơ cấu các giống lúa chất lượng cao như Bắc Thịnh, Thái Xuyên 111, VNR20, Nếp 98... Do thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm cao nên bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện trên một số cánh đồng ở 2 thôn Trung Đông và Trung Tiến.

2. Bà con nông dân không nên chủ quan

Ngoài Hà Tĩnh, tổng hợp của Trung tâm BVTV vùng khu 4 cho thấy, bệnh đạo ôn lá gây hại trên lúa xuân đang diễn biến khá phức tạp tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Huế. Theo đó, đến ngày 15/3, tổng diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn trong vùng khoảng gần 700ha (diện tích nhiễm nặng gần 27ha), gồm: Thanh Hóa 2,6ha; Nghệ An hơn 158ha; Hà Tĩnh 5ha; Quảng Bình 125ha; Quảng Trị 52ha và Huế 357ha.

“Dự báo thời gian tới điều kiện thời tiết tiếp tục âm u, có mưa phùn xen kẽ nắng nhẹ, sáng sớm có sương mù, nhiệt độ trung bình 23 – 25 độ C, ẩm độ không khí cao, là điều kiện thuận lợi cho nấm đạo ôn tiếp tục phát sinh, gây hại trên diện rộng, gây “cháy chòm” trên một số diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh.

Bệnh cũng tiếp tục phát sinh gây hại trên tai lá, cổ lá, cổ bông, gié đối với trà sớm và trà chính vụ nếu công tác điều tra, phát hiện và phòng trừ không kịp thời, đặc biệt trên các giống lúa nhiễm, bón phân không cân đối, thừa đạm, phun nhiều chất kích thích sinh trưởng”, ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm BVTV vùng khu 4 cảnh báo.

Ông Lộc khuyến cáo chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cấp huyện, xã tăng cường công tác điều tra đồng ruộng, nhất là trên các giống nhiễm đạo ôn, vùng thấp trũng, đất cát, thịt nhẹ, gieo cấy dày, bón thúc đạm sớm, bón thừa đạm… để phát hiện bệnh, hướng dẫn người dân phun phòng khi bệnh mới phát sinh, tỷ lệ dưới 5%.

Với những chân ruộng bị bệnh, ngừng bón ngay tất cả các loại phân và chất kích thích sinh trưởng, duy trì mực nước trong ruộng và phun các loại thuốc có hoạt chất đặc hiệu trừ đạo ôn như Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil, đối với những diện tích bị hại nặng sử dụng Edifenphos + Isoprothiolane… theo nguyên tắc “4 đúng”. Nếu bệnh không ngừng, tiếp tục phun kép lần 2 sau lần 1 từ 5 đến 7 ngày.

Ngoài các biện pháp trên, bà con cần chăm sóc, bón phân cân đối, tăng cường bón kali. Những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, sau phun thuốc khi bệnh ngừng phát triển mới được bón phân và luôn giữ đủ nước trong ruộng.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp