Khoảng 2.400 héc ta cam sành ở Vĩnh Long đã được số hoá (KTSG Online) – Khoảng 2.400 héc ta diện tích sản xuất cam sành của huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đã được số hoá. Đây là kết quả hợp tác giữa Công ty cổ phần Đầu tư Koina Investment Group (Koina) và UBND huyện Tam Bình thông qua dự án công nghệ hỗ trợ quản lý vùng nguyên liệu. 2.400 héc ta cam sành Tam Bình đã được số hoá. Ảnh: Trung Chánh Thông cáo báo chí của Koina, một startup nông nghiệp, gửi đến KTSG Online cho biết, ngày 14-10, đơn vị này đã bàn giao công cụ bản đồ số vùng nguyên liệu cam sành Tam Bình cho UBND huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.Theo đó, khoảng 2.400 héc ta diện tích cam sành của nông dân ở các xã Long Mỹ, Bình Ninh, Ngãi Tứ, Trường Lộc, Mỹ Thạnh Trung, Hoà Lộc, Hoà Hiệp, Hoà Thạnh, Hậu Lộc và Mỹ Lộc của huyện Tam Bình đã được số hoá.Việc số hoá vùng nguyên liệu cam sành Tam Bình được Koina triển khai qua dự án công nghệ hỗ trợ việc quản lý vùng nguyên liệu. Đây là dự án được thực hiện từ chỉ đạo của UBND huyện Tam Bình theo Quyết định số 3314/QĐ-UBND về việc điều tra đánh giá, xây dựng vùng nguyên liệu Tam Bình.Theo Koina, việc thống kê bản đồ vùng nguyên liệu trước đây có nhiều trở ngại trong việc tối ưu nguồn dữ liệu thu thập được cũng như khả năng khai thác, phân tích dữ liệu cho công tác dự báo.Tuy nhiên, thông qua bản đồ vùng nguyên liệu này, UBND huyện Tam Bình có thể xem thông tin toàn bộ diện tích vùng trồng cam sành ở huyện Tam Bình, bao gồm sản lượng, tuổi vườn, thời gian canh tác và thu hoạch bằng hình ảnh trực quan. “Đặc biệt, với công cụ này, UBND huyện Tam Bình có thể cập nhật giá thu mua tại vườn theo thời gian thực”, thông cáo báo chí viết.Ông Võ Duy Phú, đồng sáng lập kiêm Giám đốc phát triển kinh doanh của Koina cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển thêm bản đồ nguyên liệu bưởi cho huyện Tam Bình với các tính năng tương tự như đã làm với cam sành.Được biết, hồi tháng 8-2022, Koina đã ký biên bản ghi nhớ với Viện cây ăn quả miền Nam để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho cam sành Vĩnh Long và các loại cây ăn trái có múi ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Báo TheSaigonTimes) Danh mục