Quảng Bình - Bệnh Khảm Lá Sắn Lây Lan Nhanh Trên Diện Rộng Thời tiết đầu niên vụ trồng sắn năm nay khá thuận lợi nên các địa phương trong tỉnh Quảng Bình hiện đã trồng khoảng 6.500 ha sắn nguyên liệu. Tuy nhiên đến nay, đã có trên 2.000 ha sắn nguyên liệu bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình cho hay: “Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện bệnh khảm lá sắn do virus gây hại. Đơn vị đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung phòng, chống. Bệnh khảm lá làm giảm đi kích thước bộ rễ cây sắn Bệnh ngày càng lan nhanh trên diện rộng Tại huyện Bố Trạch, nơi có diện tích trồng sắn nguyên liệu lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, toàn huyện có gần 4.000 ha sắn. Trong đó có khoảng 2.000 ha đã bị nhiễm bệnh khảm lá sắn. Trong số này, có trên 200 ha đã bị nhiễm nặng với tỷ lệ trên 80%. “Gần như địa phương nào trên địa bàn cũng có diện tích sắn bị nhiễm bệnh. Một số địa phương có diện tích nhiễm bệnh cao như xã Tây Trạch, Phú Định, Nam Trạch, thị trấn Việt Trung…”, ông Long cho biết. Cũng theo ông Long, bệnh khảm lá sắn có tên khoa học là Sri Lanka cassava mosaic virus (SLCMV), lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước. Tỷ lệ bệnh phổ biến từ 30 - 50% diện tích trồng sắn trên đồng. Tại nhà văn hóa thôn Chùa, bà con trong thôn đang họp để bàn về việc phòng chống bệnh cho cây sắn. Phần lớn bà con đều mong muốn có giống cây mới đưa về để kháng được bệnh và cho năng suất cao hơn. Ông Nguyễn Văn Phương, một nông dân xã Tây Trạch cho hay: “Hiện nay bà con chúng tôi sử dụng giống sắn KM84. Giống sắn này đã đưa vào canh tác chừng 25 năm nay. Thời gian đầu, sắn cho năng suất 40 - 50 tấn/ha. Sau vài năm, năng suất cứ giảm dần và đến này thì chỉ còn khoảng 20 tấn/ha thôi”. Hiện, bệnh chưa có thuốc đặc trị và bọ phấn trắng đang ở tuổi trưởng thành nên lây lan bệnh rất nhanh, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng cây sắn. Theo một số nông dân, năm nay cây sắn bị bệnh khảm lá ngay sau khi mới mọc mầm, chứng tỏ nguồn bệnh đã bị lan truyền qua hom giống. Lá sắn bị bệnh gây mất sức sống cho cây Đưa giống sắn kháng bệnh về thay thế Trước nguy cơ bệnh khảm lá sắn lan rộng, Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, trong đó ưu tiên xác định ruộng sắn bị nhiễm bệnh để xử lý tiêu hủy cây sắn bị bệnh với phương châm nhanh, gọn nhằm kịp thời khống chế, không để bệnh khảm lá sắn lây lan ra diện rộng. “Biện pháp tiêu hủy cây sắn bị bệnh bằng cách thu gom để đốt hoặc đào hố chôn. Nếu chôn cần xử lý vôi bột ở phía dưới và phía trên bề mặt cây sắn bị bệnh trước khi chôn để cây sắn nhanh tiêu hủy và diệt trừ mầm bệnh. Đồng thời, nông dân cần chuyển sang cây trồng khác như mè, đậu đỗ phù hợp thời vụ, chất đất tại địa phương”, ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình cho hay. Ngoài việc giám sát chắc tình hình diễn biến bệnh khảm lá sắn, huyện Bố Trạch khẩn trương triển khai đưa giống mới về làm mô hình, sau đó nhân rộng. Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, giống sắn được chọn là HN5 có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh. “Đây là giống sắn được khuyến cáo là kháng được bệnh khảm lá và cho năng suất cao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần chọn làm mô hình của vụ này và xem xét trong việc đưa ra diện rộng”, ông Long nói. Giống sắn HN5 kỳ vọng sẽ kháng được bệnh khảm lá và cho năng suất cao Huyện Bố Trạch hỗ trợ bà con xã Tây Trạch làm mô hình giống sắn HN5 trên diện tích 5 ha. Trên diện tích này, cây sắn giống KM94 bị nhiễm bệnh tỷ lệ cao được nhổ bỏ, tiêu hủy, sau đó đưa giống HN5 vào thay thế. Ngoài ra cũng cần kết hợp thêm các biện pháp tăng cường chăm sóc như vun bón phân gốc, phun bón phân qua lá để nhằm tăng sức đề kháng bệnh cho cây trồng. Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam Danh mục