GIA LAI ỔN ĐỊNH DIỆN TÍCH 100 NGHÌN HA CÀ PHÊ, THÂM CANH BỀN VỮNG

Ổn định diện tích 100 ngàn ha đến năm 2030

Tỉnh Gia Lai có diện tích tự nhiên hơn 1,5 triệu ha, đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Nghệ An). Riêng diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 1,4 triệu ha. Nơi đây có cao nguyên Pleiku và cao nguyên Kon Hà Nừng với vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu nhiệt đới gió mùa là biệt đãi mà thiên nhiên đã trao tặng cho con người. Đây chính là nguồn lực quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây cà phê.


Tuyển chọn giống tốt phục vụ tái canh cà phê ở Gia Lai. Ảnh: Đăng Lâm

Với diện tích hơn 105.000ha cà phê hiện có, đây là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. Cà phê có mặt ở địa bàn 10 huyện, thành phố của Gia Lai. Trong đó có gần 60.000ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, RA, C.A.F.E. Practices, Organic…, chủ yếu là cà phê Robusta, năng suất hơn 3,9 tấn/ha, sản lượng hơn 400.000 tấn/năm. Đến nay, cà phê của Gia Lai đã được xuất khẩu sang 60 nước trên thế giới.

Năm 2023, giá trị xuất khẩu cà phê của Gia Lai đạt hơn 490 triệu USD, chủ yếu là cà phê nhân xanh, tỉ lệ cà phê qua chế biến sâu đạt 6%. 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh Gia Lai ước đạt hơn 700 triệu USD (đạt hơn 93% kế hoạch). Trong đó riêng mặt hàng cà phê xuất khẩu đạt sản lượng 193.000 tấn, tương ứng 552 triệu USD, chiếm đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh này, tăng 26% so với cùng kỳ.

Cây cà phê đã giúp xóa đói, giảm nghèo, đưa đời sống của đông đảo người dân Gia Lai đi lên, phát triển bền vững kinh tế gia đình. Có khá nhiều hộ đã vươn lên giàu nhờ cây trồng này. Không ít những vùng nông thôn hẻo lánh, nghèo khó một thời đã vươn lên thành những thị trấn, thị tứ sầm uất nhờ trồng cà phê như vùng chuyên canh cà phê Ia Sao, Ia H’rung (huyện Ia Grai) hay Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh)...

Tuy nhiên trước những diễn biến khó lường của thị trường cà phê trong nước và thế giới, cũng như để phát triển bền vững ngành hàng cà phê chống phá rừng, chống biến đổi khí hậu, tỉnh Gia Lai đã có những chính sách thỏa đáng cho cây trồng này.

Cụ thể, theo kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tỉnh định hướng phát triển ổn định diện tích cà phê khoảng 100 ngàn ha, trong đó sản xuất theo hướng hữu cơ đạt khoảng 15,03%. Cùng với đó, phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan. Với những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ...

Ia Grai là một trong những huyện trọng điểm cà phê của tỉnh Gia Lai. Toàn huyện hiện có khoảng 18 ngàn ha cà phê, trong đó có khoảng trên 17 ngàn ha cho thu hoạch. Ông Phan Đình Thắm, Tưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, chủ trương của huyện là giữ ổn định diện tích cà phê hiện có, đồng thời tập trung chăm sóc theo hướng hữu cơ, bền vững. 

Thâm canh bền vững, ưu tiên chế biến sâu

Nhằm ổn định diện tích cà phê 100 ngàn ha đến năm 2030, tỉnh Gia Lai đã tiến hành rà soát diện tích cà phê trồng ở những nơi không thích hợp, năng suất thấp, đặc biệt ở những vùng khó khăn về nước tưới để chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn.

Bên cạnh đó đẩy mạnh tái canh các vườn cà phê già cỗi, sử dụng 100% giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh; trồng xen canh cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm và tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển cà phê đặc sản Việt Nam trên địa bàn. Theo kế hoạch, đến năm 2030, diện tích cà phê vối đặc sản ở Gia Lai đạt khoảng 2,34 ngàn ha, sản lượng cà phê đặc sản đạt khoảng 1,7 ngàn tấn.

Gia Lai dành nhiều chính sách đầu tư thiết bị, sân chơi bài bản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm
cà phê. Ảnh: Đăng Lâm

Áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, áp dụng rộng rãi kỹ thuật tưới tiên tiến tiết kiệm nước, trồng cây chắn gió, cây che phủ, tỉa gốc và tạo cảnh quan cà phê. Từng bước áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch và sản xuất cà phê chứng nhận... được tỉnh Gia Lai ưu tiên hàng đầu.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ của tỉnh đạt khoảng 2%, diện tích cà phê đặc sản trên 2%, có trên 80% diện tích cà phê đạt các tiêu chuẩn sản xuất (VietGAP, 4C, RA, C.A.F.E. Practices, Organic...), trên 70% diện tích cà phê được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời thực hiện tốt quy định EUDR (phát triển ngành hàng cà phê chống suy thoái rừng, phá rừng).

Ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Để chế biến sâu sản phẩm cà phê và phát triển hệ thống logistics, Gia Lai tập trung vào các nhiệm vụ chính: Đảm bảo tỷ lệ thu hái cà phê đúng độ chín, đủ tiêu chuẩn chất lượng đạt 80 - 90%; hạt cà phê đảm bảo sạch trong tất cả các khâu thu hái, phơi sấy, sơ chế, bảo quản, cung cấp cà phê nguyên liệu... để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Bên cạnh việc thâm canh bền vững diện tích cà phê hiện có, tỉnh Gia Lai đồng thời đẩy mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm cà phê, đặc biệt là chế biến sâu để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và tạo sự khác biệt của cà phê.

Theo đó triển khai đồng bộ các giải pháp như khuyến khích đầu tư mới và nâng cấp các nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại trong chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Phấn đấu đến năm 2030, sản lượng cà phê chế biến sâu chiếm 20 - 25% tổng sản lượng cà phê của tỉnh, khối lượng cà phê xuất khẩu chiếm khoảng 85% tổng sản lượng cà phê của tỉnh (trong đó cà phê rang xay chiếm khoảng 6%, cà phê hòa tan khoảng 20%).

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

 

Thẻ:   ca phe